Họa sĩ vĩ đại bậc nhất thế kỷ 20, Marcel Duchamp là trường hợp hiếm hoi chuyển sang cờ vua chuyên nghiệp khi đang ở đỉnh cao giới nghệ thuật.
Người vợ đầu tiên của Duchamp là Lydie Sarazin-Levassor, kết hôn ngày 7/6/1927, khi ông 40 tuổi, còn bà mới 25. Bà Lydie là con gái của một chủ sản xuất ôtô giàu có, và cuộc hôn nhân được cho để họa sĩ có nguồn thu nhập ổn định hòng chuyên tâm vẽ tranh và chơi cờ.
Hai vợ chồng hưởng trăng mật ở thành phố Nice, nhưng Duchamp tới một CLB cờ vua ở đó hàng ngày. Bạn của ông, họa sĩ Man Ray từng kể rằng Duchamp khi về phòng cũng nghiên cứu cờ thâu đêm, suốt tuần trăng mật. Bà Lydie tức giận đến nỗi dùng băng dính dán chặt các quân cờ của ông vào bàn.
Họ ly hôn sáu tháng sau đó.
Duchamp sinh năm 1887 tại Pháp, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật và cờ vua. Theo bình chọn của báo Times nước Anh năm 2009, ông đứng thứ năm trong danh sách 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20, sau Pablo Picasso, Paul Cezanne, Gustav Klimt và Claude Monet.
Duchamp được coi là cha đẻ của nghệ thuật khái niệm (thuật ngữ Anh: conceptual art), theo tạp chí ArtLand. Trường phái này ưu tiên ý tưởng hoặc khái niệm đằng sau tác phẩm hơn tính thẩm mỹ và trực quan. Các tác phẩm của ông được làm từ những nguyên liệu có sẵn, kích thích trí tuệ người xem, để đoán ý định và quá trình suy nghĩ của tác giả khi làm ra tác phẩm.
Một tác phẩm đại diện cho cuộc cách mạng nghệ thuật khái niệm có tên “Vòi phun” (Fountain), chính là một chiếc bồn tiểu được Duchamp mua ở một cửa hàng, đem đến một triển lãm của Hội Nghệ sĩ Độc lập và ký tên khác năm 2017. Tác phẩm bị hội gạt bỏ, không cho vào triển lãm.
Là thành viên sáng lập, Duchamp vẫn quyết định rời hội sau sự việc này. “Vòi phun” hay những tác phẩm khác của ông sau này càng đắt giá. Năm 1999, tác phẩm này được doanh nhân Hy Lạp Dimitris Daskalopoulos mua với giá 1,76 triệu USD, kỷ lục cá nhân của ông. Số tiền này có lẽ nhiều gấp triệu lần chi phí ông bỏ ra cho tác phẩm.
Những công trình của Duchamp cần người xem phải động não, cũng vì ông đam mê cờ vua từ nhỏ. Ông bắt đầu chơi cờ vua lúc 13 tuổi, cùng hai anh trai Gaston, Raymond và em gái Suzanne.
Những năm đầu sự nghiệp nghệ thuật, ông chủ yếu vẽ tranh, nhưng ngừng hẳn kể từ vụ “bồn tiểu”. Ở tuổi 33, Duchamp sang Mỹ sống và tham gia CLB cờ vua Marshall ở New York. Ba năm sau, ông sang Brussels và đoạt HC đồng giải vô địch Bỉ, rồi chuyển từ họa sĩ toàn thời gian sang kỳ thủ chuyên nghiệp.
Thỉnh thoảng, ông cũng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn. Chẳng hạn, ông thường tổ chức các ván cờ vua trực tiếp trong vườn nhà, với những người bạn hóa trang vào vai các quân cờ. Năm 1963, ông đánh cờ với một người phụ nữ ngực trần 20 tuổi Eve Babitz, mà bà sau này trở thành một biểu tượng Hollywood. Các tác phẩm của Duchamp với cờ vua trải dài từ tranh, ảnh, bức điêu khắc, bàn cờ, vở kịch hay đơn giản là bài báo.
“Vẻ đẹp của cờ vua gần giống thơ ca”, Duchamp nói trong buổi tiệc của Hiệp hội cờ vua bang New York tháng 8/1952. “Các quân cờ giống như bảng chữ cái, tạo ra những suy nghĩ, và những suy nghĩ này thể hiện vẻ đẹp của chúng, giống như trong thơ ca”.
Trong những kỳ thủ là kỳ nhân, Duchamp có phần khác biệt. Số đông dùng cờ vua để làm nền tảng phát triển ở những lĩnh vực khác như nghiên cứu khoa học hay kinh doanh, với những tên tuổi như Demis Hassabis đoạt Nobel Hóa học 2024, hay Peter Thiel làm tỷ phủ công nghệ. Còn Duchamp lấy nền tảng nghệ thuật để tôn cờ vua lên tầm mới.
Ông chưa từng là kỳ thủ hàng đầu so với tài năng hội họa đã được thừa nhận, nhưng đã được phong danh hiệu Kiện tướng Pháp, và nhiều lần làm đồng đội của cựu Vua cờ Alexander Alekhine tại Olympiad cờ vua.
Danh họa nằm trong nhóm kỳ thủ hàng đầu Pháp, nếu so với ngày nay sẽ có danh hiệu Đại kiện tướng. Đó là danh hiệu cao nhất với một kỳ thủ, nếu không tính danh xưng không chính thức: Vua cờ. Người vợ cuối cùng của ông cũng là một kỳ thủ: bà Alexina.
Duchamp qua đời ở tuổi 81, năm 1968 tại Pháp. Bảy tháng trước đó, ông vẫn tới Toronto, Canada để đánh cờ biểu diễn với nhà soạn nhạc Mỹ John Cage. Ván cờ này là một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa đen. Dưới mỗi ô vuông bàn cờ là một hệ thống tạo âm thanh. Và khi mỗi quân di chuyển, những nốt nhạc điện tử vang lên.
Buổi diễn có tên “Hội ngộ”, thu hút hàng trăm khán giả. Duchamp toàn thắng cả hai ván với Cage, nhưng không có ai ghi lại biên bản nước đi. Cũng không có video nào về cuộc tỷ thí này, nhưng một bản nhạc ghi âm từ ván cờ từng được rao bán với giá 7.500 USD năm 2008.
“Hội ngộ” là lần cuối Duchamp xuất hiện trước công chúng, bởi sau đó ông qua đời vì bệnh tim. Ông nổi tiếng với phát biểu: “Không phải nghệ sĩ nào cũng chơi cờ, nhưng kỳ thủ nào cũng là một nghệ sĩ”.
Duchamp chính là nghệ sĩ tài năng nhất trong giới kỳ thủ.
Xuân Bình
Nguồn: Cờ vua Vnexpress.net