Kỳ thủ nghĩ bao lâu cho một nước cờ?


Trung bình kỳ thủ nghĩ ba phút cho một nước cờ tiêu chuẩn, nhưng việc đi nhanh hay chậm có thể là đòn tâm lý đánh vào đối thủ.

Bạn đã bao giờ đang thắng thế khi đấu cờ vua, nhưng thời gian chỉ còn ít ỏi dẫn tới nhiều nước đi vội vàng và cẩu thả rồi thua ngược? Điều này xảy ra không chỉ với các kỳ thủ phong trào, mà ngay cả với cao thủ thế giới. Nhưng, không phải lúc nào kỳ thủ bị cạn giờ cũng có nghĩa họ quản lý thời gian không tốt. Và không phải lúc nào kỳ thủ đi nhanh cũng có nghĩa họ cẩu thả.

Nepomniachtchi (trái) thường xuyên đi nhanh hơn đối thủ. Ảnh: FIDE

Nepomniachtchi (trái) thường xuyên đi nhanh hơn đối thủ. Ảnh: FIDE

Thời gian cho từng nước đi, đầu tiên phụ thuộc vào thể loại thi đấu: cờ tiêu chuẩn (90-100 phút), cờ nhanh (10-30 phút), cờ chớp (3-5 phút) hay siêu chớp (dưới 2 phút). Ngay cả ở cờ tiêu chuẩn, quỹ thời gian ở nhiều giải cũng khác nhau. Chẳng hạn các giải trẻ, quỹ thời gian thường ít hơn những giải đỉnh cao. Giải trẻ thường có 90 phút cho mỗi kỳ thủ, thêm 30 giây sau từng nước đi. Còn những giải đỉnh cao thường là 100 phút cho mỗi kỳ thủ, và sau nước 40 hoặc 60 lại được thêm thời gian.

Lấy ví dụ ở vòng 10 giải cờ vua Candidates đang diễn ra ở Ekaterinburg, Nga, để tìm ra người tranh ngôi Vua cờ với Magnus Carlsen. Trong bốn cặp đấu, thời gian trung bình của tám kỳ thủ cho một nước đi là 2 phút 42 giây. Nghĩ lâu nhất là Kirill Alekseenko, trung bình 3 phút 42 giây cho một nước. Còn nghĩ nhanh nhất là Ian Nepomniachtchi, với 1 phút 36 giây mỗi nước. Chính hai kỳ thủ này gặp nhau ở vòng 10, với phần thắng cho người đi quân nhanh hơn. Và đấy cũng là ván phân thắng bại duy nhất của vòng.

Đi quân nhanh hay chậm không liên quan nhiều tới kết quả thắng, thua. Quan trọng là cách vận dụng thời gian vào việc tính toán và lên chiến lược cho ván cờ. Cũng ở vòng 10, Alexander Grischuk lập kỷ lục kể từ năm 2000, khi mất 72 phút cho nước cờ thứ 11, khi vẫn trong khai cuộc ở ván đấu Vương Hạo.

Sau nước thứ 20, Grischuk chỉ còn một phút. Theo quy định của giải, sau 40 nước đầu tiên, mỗi kỳ thủ được cộng thêm 50 phút. Tức là Grischuk chỉ còn một phút để suy nghĩ và đi 20 nước tiếp theo. Anh vẫn còn được cộng thêm 30 giây sau mỗi nước đi, nhưng một phần thời gian đó đã dành cho việc ghi biên bản nước cờ. Coi như kể từ nước 20, anh chơi cờ chớp chứ không phải cờ tiêu chuẩn.

Đây không phải lần đầu Grischuk mất nhiều thời gian như vậy cho khai cuộc, để rồi nguy cơ cạn giờ ở trung và tàn cuộc. Cũng ngay ở giai đoạn một của Candidates, Grischuk vài lần vào ghế ngồi bắt đầu ván đấu muộn vài phút. Cũng có lúc anh tranh thủ thời gian chợp mắt giữa lúc đấu. Khó nói trong lúc nhắm mắt, Grischuk có nhảy số trong đầu hay không.

Grischuk là trường hợp hiếm gặp trong làng cờ đỉnh cao. Trước đây Đại kiện tướng Samuel Reshevsky – kỳ thủ từng tám lần vô địch Mỹ – cũng từng có thói quen như vậy. Ông giải thích: “Bằng cách chơi chậm ở giai đoạn đầu, tôi có thời gian nắm rõ những yêu cầu cơ bản của từng thế cờ. Sau đó, dù gặp áp lực thời gian, tôi không gặp khó khăn trong việc tìm ra phương án tốt nhất. Điều trùng hợp là các đối thủ của tôi thường bối rối khi thấy lúc đó tôi đi nhanh đến vậy”.

Chưa rõ Grischuk có cảm thấy như Reshevsky không, nhưng có một cách giải thích khác cho trường hợp này. Reshevsky và Grischuk đều tìm ra những nước tốt hơn khi gặp áp lực thời gian. Điều này có vẻ giống như khi học sinh, sinh viên dồn bài tập gần đến hạn nộp mới bắt đầu làm, hay nhân viên dồn việc đến gần “hạn chót”. Khi càng gặp áp lực thời gian, họ thường cảm thấy mình làm việc năng suất và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiếm có nghiên cứu khoa học nào cho thấy điều này. “Việc mọi người làm việc tốt hơn dưới áp lực là hoang đường”, nhà tâm lý học Tim Pychyl nói với Life Hacker tháng 3/2016. “Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được điều đó. Thậm chí, các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại”.

Grischuk lại đối lập với Nepomniachtchi, khi anh thường đi chậm ở giai đoạn đầu, và đi nhanh về sau. Khó khẳng định Grischuk quản lý thời gian không tốt, vì anh có thể có lý do riêng. Ảnh: FIDE

Grischuk lại đối lập với Nepomniachtchi, khi anh thường đi chậm ở giai đoạn đầu, và đi nhanh về sau. Khó khẳng định Grischuk quản lý thời gian không tốt, vì anh có thể có lý do riêng. Ảnh: FIDE

Nhưng, nghiên cứu của các nhà khoa học khó áp dụng hoàn toàn vào Grischuk, Reshevsky hay các cao thủ cờ vua khác. Trước mỗi nước đi, trong đầu các kỳ thủ hàng đầu luôn nảy ra những lựa chọn, theo trực giác. Các lựa chọn cứ liên tục xuất hiện, và nhiệm vụ của họ là rà soát từng lựa chọn, để xem nước cờ nào tốt nhất. Với những thế cờ phức tạp, ngay cả các cao thủ cũng khó đảm bảo tính được hết các khả năng. Đôi khi, để tiết kiệm thời gian, họ dựa hẳn vào trực giác. Tức là, họ sẽ chỉ phân tích lựa chọn đầu tiên xuất hiện trong đầu, hoặc lựa chọn mà trực giác mách bảo. Các kỳ thủ thường phải làm vậy ở cờ nhanh chớp, nơi họ chỉ có trung bình vài giây cho một nước đi.

Thời của Reshevsky, cờ chớp chưa xuất hiện. Còn Grischuk đã ba lần vô địch cờ chớp thế giới, thành tích chỉ sau Carlsen. Việc phải đi như chơi cờ chớp sau 20 nước khi gặp Vương Hạo không phải thảm họa với Grischuk. Anh vẫn lấn át đối thủ, rồi hòa trong thế cầm quân đen.

Grischuk hay bất kì ai có thể chơi tốt hơn khi gặp áp lực thời gian, nhưng dĩ nhiên có nhiều thời gian vẫn hơn. Cũng trong ván đấu với Vương, Grischuk mắc sai lầm ở nước thứ 30 theo đánh giá của máy tính. Từ ưu thế lớn cho anh, thế cờ chuyển về cân bằng. Nếu có thêm vài chục phút, có thể Grischuk sẽ tìm ra.

Theo logic thông thường, những thế cờ phức tạp cần nhiều thời gian tính toán hơn. Nhưng, nếu sau mỗi nước đi thế cờ càng phức tạp, kỳ thủ sẽ không có đủ thời gian suy nghĩ. Vấn đề của họ là phải biết quản lý thời gian hợp lý, để biết khi nào cần đi nhanh hay chậm.

Làng cờ có một câu khuyết danh, rằng “hãy đi chậm khi đang thắng và khi đang thua”. Đi chậm để đi những nước chắc chắn, để chuyển ưu thế thành thắng lợi. Ngay cả khi đang thua, cũng cần đi chậm để tìm ra phương án phòng ngự hoặc lật ngược thế cờ. Đinh Lập Nhân hay Anish Giri đều được coi là những kỳ thủ quản lý thời gian tốt. Nhưng, lời khuyên này chưa hẳn đúng với các cao thủ.

Đi nhanh hay đi chậm, có nhiều thời gian vẫn hơn. Giri là kỳ thủ không được đánh giá cao về khả năng tính toán. Đổi lại, anh ghi nhớ được rất nhiều khai cuộc và các biến thể để tiết kiệm thời gian. Ảnh: FIDE

Đi nhanh hay đi chậm, có nhiều thời gian vẫn hơn. Giri là kỳ thủ không được đánh giá cao về khả năng tính toán. Đổi lại, anh ghi nhớ được rất nhiều khai cuộc và các biến thể để tiết kiệm thời gian. Ảnh: FIDE

Nepomniachtchi – người đang dẫn đầu Candidates với một điểm nhiều hơn nhóm sau – thường xuyên đi quân nhanh. Trong 10 ván đã qua, có tám ván anh kết thúc với thời gian nhiều hơn đối thủ. Trong đó, có bốn ván Nepomniachtchi còn tới gần một tiếng. Việc đi nhanh có thể dẫn tới sót nước và sai lầm, nhưng lại là đòn đánh tâm lý hiệu quả khiến đối thủ gặp bối rối, như Reshevsky từng nói. Chỉ khác là Nepomniachtchi đi nhanh dù ở khai cuộc, trung cuộc hay tàn cuộc. Việc đi chậm cũng sẽ khiến đối thủ nghĩ rằng thế cờ đó phức tạp và cần nhiều thời gian tính toán.

Thời xưa, Reshevsky thường dành thời gian trong khai cuộc để nghiên cứu các biến thể. Ngày nay, các kỳ thủ thường ghi nhớ các biến thể khai cuộc, thậm chí tới nước thứ 20 hay 25. Khi hạ Vachier-Lagrave ở ván tám, Fabiano Caruana ghi nhớ tới 25 nước cờ đầu tiên, ở khai cuộc Phòng thủ Najdorf. Anh chỉ mất trung bình 16 giây cho mỗi nước đi, trong 25 nước đầu, tính cả thời gian ghi biên bản.

Caruana hay Giri đều nổi bật với khả năng chuẩn bị và ghi nhớ khai cuộc. Từ đó, họ tiết kiệm thời gian tính toán trong giai đoạn đầu của ván cờ. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn đối thủ ở trung cuộc hay tàn cuộc. Thời gian nhiều luôn là lợi thế.

Với trợ giúp của các siêu máy, giờ đây các kỳ thủ muốn ghi nhớ sâu hơn khai cuộc, thậm chí tìm ra những biến thể mới lạ để gây bất ngờ cho đối thủ. Oxford Companion đã đặt tên cho 1.327 khai cuộc và các biến thể của nó. Nhưng từ đó, các biến thể còn mọc ra thêm vô vàn nhánh mới. Khả năng ghi nhớ của các kỳ thủ ngày càng trở nên có lợi. Như kỳ thủ từng đứng top 10 thế giới – Loek van Wely – nói với VnExpress tháng 3/2019: “Cờ vua bây giờ là cuộc chơi của trí nhớ”.

Xuân Bình

Nguồn: Cờ vua Vnexpress.net

  • Related Posts

    Quang Liêm vô địch siêu giải Biel lần thứ ba liên tiếp

    Thụy SĩChiến thắng trước số tám thế giới Rameshbabu Praggnanandhaa giúp Lê Quang Liêm, kỳ thủ số một Việt Nam, vô địch lễ hội cờ vua Biel sớm một vòng.…

    Quang Liêm xây chắc đỉnh bảng siêu giải Biel

    Thụy SĩKỳ thủ số một Việt Nam, Lê Quang Liêm vào vòng chung kết lễ hội cờ vua Biel, với ba điểm nhiều hơn nhì bảng Haik Martirosyan. Tại nội…

    You Missed

    Quang Liêm vô địch siêu giải Biel lần thứ ba liên tiếp

    Quang Liêm vô địch siêu giải Biel lần thứ ba liên tiếp

    Quang Liêm xây chắc đỉnh bảng siêu giải Biel

    Quang Liêm xây chắc đỉnh bảng siêu giải Biel

    Quang Liêm dẫn đầu siêu giải Biel 2024

    Quang Liêm dẫn đầu siêu giải Biel 2024

    Stephane Bressac Wins Unique 1st Blind Chess Challenge, Open To Everyone

    Stephane Bressac Wins Unique 1st Blind Chess Challenge, Open To Everyone

    Bullet Brawl July 13, 2024: Naroditsky Wins 21st Brawl, Closes In On Nakamura’s All-Time Record

    Bullet Brawl July 13, 2024: Naroditsky Wins 21st Brawl, Closes In On Nakamura’s All-Time Record

    SuperUnited Rapid & Blitz Croatia Day 4: Caruana Leads By 4.5 Points Ahead Of Final Day

    SuperUnited Rapid & Blitz Croatia Day 4: Caruana Leads By 4.5 Points Ahead Of Final Day